Viêm nội mạc tử cung là chứng bệnh không xa lạ với phụ nữ. Ngoài việc gây ra những cơn đau bụng dữ dội, bệnh còn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm trong đó có nguy cơ vô sinh.
1. Viêm nội mạc tử cung là gì?
Bên trong tử cung có một lớp niêm mạc mềm, xốp, gọi là nội mạc tử cung. Khu vực này sẵn sàng tiếp nhận trứng thụ tinh và nuôi dưỡng chúng phát triển thành bào thai. Nếu trứng không rụng, các mô nội mạc tử cung sẽ bị phá hủy và được tống ra ngoài, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.
Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung, thường xảy ra do một số thủ thuật can thiệp ở buồng tử cung không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt vòng, lấy vòng. Bệnh cũng có thể xảy ra sau sinh, sau mổ lấy thai nếu có sót nhau hoặc ứ dịch long tử cung kéo dài...
Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và hậu quả cuối cùng là vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.
2. Nguyên nhân gây ra viêm nội mạc tử cung
Nguyên nhân gây viêm nội mạc tử cung thường do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, Chlamydia, lao...) hoặc do vi khuẩn lan truyền từ dưới lên trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo. Tuy vậy, nguyên nhân thường thấy nhất là do nhiễm khuẩn sau sảy thai, đẻ bị sót nhau, bế sản dịch, mổ lấy thai (dụng cụ phẫu thuật không vô khuẩn), vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo, đặt dụng cụ tử cung, nạo thai không an toàn)...
3. Triệu chứng của viêm nội mạc tử cung
Triệu chứng chung của bệnh là đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, đau buốt đường tiết niệu, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa... Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này còn kèm theo dị ứng, thường xuyên bị viêm nhiễm ở vùng kín. Khi bị viêm nội mạc tử cung cấp, người bệnh thấy đau bụng dưới, ra nhiều khí hư kèm mủ, sốt. Nếu điều trị không đúng hoặc không chữa trị, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, mà biểu hiện chính thường là đau bụng dưới, chảy máu tử cung, rối loạn kinh nguyệt.
4. Tại sao phụ nữ cần cắt bỏ nội mạc tử cung?
Cắt bỏ nội mạc tử cung là thủ thuật phá hủy một lớp mỏng của niêm mạc tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ bị ra nhiều máu hoặc máu chảy không ngừng trong kỳ kinh nguyệt sẽ được điều trị bằng thuốc trước tiên. Nếu chảy máu nặng không thể kiểm soát được bằng thuốc, cắt bỏ nội mạc tử cung có thể được sử dụng. Thủ thuật này có thể giúp lượng kinh thoát ra giảm xuống mức bình thường hoặc nhẹ hơn. Nếu việc cắt bỏ vẫn không thể kiểm soát tình trạng này, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị thêm hoặc làm phẫu thuật.
Đối tượng không nên cắt bỏ nội mạc tử cung: Cắt bỏ nội mạc tử cung được khuyến cáo không nên thực hiện ở phụ nữ đã mãn kinh và phụ nữ có những vấn đề sau:
Rối loạn tử cung hoặc nội mạc tử cung
Tăng sản nội mạc tử cung
Ung thư tử cung
Mới mang thai
Vừa mới hoặc đang bị nhiễm trùng tử cung
5. Có thể mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung không?
Sau khi đã cắt bỏ nội mạc tử cung khả năng mang thai là rất thấp nhưng vẫn có thể mang thai. Nếu mang thai sau cắt bỏ nội mạc tử cung thì nguy cơ sẩy thai và gặp các vấn đề sức khỏe khác tăng lên rất cao. Nếu bạn vẫn muốn có thai thì không nên thực hiện thủ thuật này. Những phụ nữ đã cắt bỏ nội mạc tử cung nên sử dụng các biện pháp tránh thai cho đến sau thời kỳ mãn kinh, triệt sản cũng có thể là một lựa chọn tốt.