Trầm cảm sau sinh là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp. Bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến người mẹ, đứa trẻ mới sinh và cả gia đình nếu không được quan tâm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc, có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán, lo lắng của người phụ nữ sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia tâm lý thì sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ thường có những sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Nồng độ estrogen và progesterone – hai hormone sinh sản của phụ nữ – tăng gấp 10 lần trong giai đoạn mang thai. Chỉ 3 ngày sau khi sinh, nồng độ của các hormone này đã quay về mức như trước khi mang thai. Ngoài ra, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi nên dẫn đến những bất ổn về cảm xúc.
Trầm cảm sau sinh con sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính... Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh tới sức khỏe và cuộc sống
- Bản thân người mẹ: suy dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược thần kinh, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân.
- Người thân
+ Trầm cảm nhẹ: Chồng và con không được chăm sóc tốt, gia đình không được vui vẻ.
+ Trầm cảm nặng: người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Thậm chí, có những bà mẹ còn nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
- Suy nhược cơ thể: Nhiều bà mẹ sau khi sinh con cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Họ tự cảm thấy mình không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi, cảm giác này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể. Đây chính là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh.
- Lo lắng: Bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái sau sinh. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ, đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.
- Hoảng hốt: Người mẹ cảm thấy hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
- Căng thẳng: Thường xuyên căng thẳng sẽ khiến chứng trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được. Cần đến bác sĩ chuyên khoa tầm thần để được điều trị.
- Cảm giác bị ám ảnh: Sản phụ trầm cảm sau sinh thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Trường hợp này, mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
- Mất tập trung: Đây cũng là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua. Họ thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường, sẽ cảm thấy trí nhớ sao mà kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.
- Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ và ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Trong trường hợp này, ngoài việc tích cực điều trị thì tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
- Tình dục: Trầm cảm sau sinh khiến người bệnh mất hứng thú tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm. Các ông bố nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh. Cách giúp mẹ cảm thấy thoải mái bao gồm đụng chạm nhẹ, ôm ấp và vuốt ve, sẽ tốt cho cả hai.
- Triệu chứng tâm lý:
+ Bà mẹ luôn có tâm trạng buồn bã, giảm hứng thú hoạt động , cảm thấy vô dụng hay tội lỗi, thường nghĩ đến cái chết và tự tử.
+ Thay đổi khẩu vị nên bà sẽ ăn nhiều gây tăng hoặc bỏ ăn và hậu quả là giảm cân.
+ Cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống. Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm chạp.
Nguyên nhân trầm cảm sau sinh
- Thay đổi về nội tiết
Ngay sau sinh nội tiết tố của người mẹ bị rối loạn: việc giảm đột ngột hormon estrogen và progestrogen góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra những thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
- Thiếu ngủ, thiếu chất dinh dưỡng, lo lắng quá nhiều
Ở giai đoạn sau sinh người mẹ phải làm quen với những trách nhiệm mới và nghĩa vụ mới với đứa con của mình, không có thời gian cho bản thân, ngủ không đủ giấc, ăn uống kiêng khem không đủ chất dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ… Vì vậy đây cũng là một nguyên nhân làm cho người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.
- Khó khăn trong chăm sóc trẻ
Vấn đề sức khỏe, ăn uống của em bé sau sinh là một trong những mối quan tâm rất lớn của các bà mẹ, vì vậy những vấn đề xảy ra với em bé có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần bà mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bà mẹ có con không được khỏe, con hay quấy khóc, hoặc con không bú mẹ có nguy cơ bị TCSS cao những bà mẹ khác.
- Mâu thuẫn hôn nhân, gia đình
Gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết triệt để trước và sau khi sinh cũng có thể gây trầm cảm cho bà mẹ. Áp lực chăm sóc con cái, do thiếu sự giúp đỡ của người thân, hoặc do áp lực về giới tính đứa trẻ cũng làm nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
- Yếu tố sản khoa
Bao gồm phương pháp sinh, những vấn đề khi sinh như sinh sớm, sinh khó, cũng như các tai biến sản khoa như sản giật, tiền sản giật, chảy máu nhiều khi sinh.... Những bà mẹ trải qua quá trình sinh khó, có biến cố sản khoa có nguy cơ TCSS cao hơn những bà mẹ khác.
- Có tiền sử bị trầm cảm
Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
Trầm cảm sau sinh được điều trị như thế nào?
Tại giai đoạn tạm thời, sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè chắc chắn là cách để người mẹ nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, cũng nên chắc chắn là bà mẹ bị trầm cảm sau sinh được bác sĩ điều trị, tuy nhiên, nếu đơn thuốc không phù hợp thì cần phải thay đổi đơn thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Khi người mẹ không được khỏe thì hãy để cô ấy nghỉ ngơi nhiều hơn, còn khi khỏe thì cô ấy có thể làm bất cứ việc gì cô ấy thích. Hãy nhớ rằng trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà người bệnh có thể tin tưởng ở bên cạnh.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh con thì điều quan trọng không kém chính là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể điều trị bằng cách tìm đến các chuyên gia tâm lý để có được những buổi nói chuyện thoải mái và bày tỏ nỗi lòng.
Để có được kết quả điều trị tốt nhất thì bản thân người bị trầm cảm sau sinh con cần phải tin tưởng mình sẽ tốt hơn, kiên nhẫn và tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ. Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu, lúc đó bệnh sẽ nhanh khỏi hơn.
Nhóm Admin ST