Rubella hay còn gọi Sởi Đức, là bệnh truyền nhiễm do virus ARN Rubella gây ra.
Khi người phụ nữ mang thai bị nhiễm rubella trong giai đoạn 3 tháng đầu, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh là rất cao. Cao điểm của bệnh thường vào mùa đông hoặc mùa xuân, cũng có thể xuất hiện rải rác quanh năm.
Cơ chế sinh bệnh của Rubella bẩm sinh (CRS)
Virus Rubella truyền từ máu mẹ qua nhau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Virus có hướng tính cao và có khả năng phá huỷ hay ức chế phần bào của một số dòng tế bào non của phôi thai, nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ và đây là nguyên nhân những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Biểu hiện thường gặp của bệnh bao gồm sốt, phát ban, nổi hạch,... nhưng vẫn có khoảng 20-50% người nhiễm virus không có triệu chứng. Tuy bệnh thường diễn biến lành tính nhưng vẫn có nguy cơ dẫn tới một vài biến chứng như viêm não hoặc màng não, xuất huyết giảm tiểu cầu...
Thường CRS ở người mẹ không có triệu chứng cụ thể, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ.
- Giai đoạn 3 tháng đầu: 70%-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.
- Từ tháng thứ 4 trở đi:
+ Thai được 13-16 tuần: Tỷ lệ trẻ bị rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%
+ Thai được 17-20 tuần: Tỷ lệ trẻ bị rubella bẩm sinh với tỷ lệ 5%
+ Thai hơn 20 tuần: Tỷ lệ giảm dần xuống còn 0%
Các biến chứng dị tật khi thai nhi nhiễm virus Rubella
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ bị bệnh Rubella dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Nếu sinh được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như:
+ Đục thủy tinh thể
+ Hở hẹp van tim
+ Còn ống động mạch
+ Thông vách ngăn giữa các buồng tim
+ Hẹp động mạch phổi
+ Câm, điếc
+ Chậm phát triển trí tuệ
+ Các dị tật về xương dài
+ Bại não, dị dạng ở não
+ Có vấn đề ở gan, lá lách,...
Yếu tố tăng nguy cơ mắc CRS
- Phụ nữ đang mang thai nhưng chưa được tiêm chủng phòng Rubella
- Phụ nữ đang mang thai tiếp xúc với người bị Rubella
Ảnh minh hòa (Nguồn Internet)
Phòng bệnh Rubella
- Tiêm vắc xin:
+ Với trẻ em: tiêm phòng 1 mũi sau 15 tháng tuổi. Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất từ 6-10 tháng hoặc có thể tiêm khi trẻ 4 -6 tuổi.
+ Với phụ nữ: Sau khi đã tiêm khi còn trẻ, tốt nhất nên tiêm nhắc lại một mũi trước khi có dự định mang thai. Thời điểm tiêm trước khi thụ thai ít nhất 1 tháng và tốt nhất là trước 3-4 tháng.
- Lưu ý:
+ Khi đang mang thai mẹ tuyệt đối không được tiêm vắc xin ngừa CRS. Vì vắc xin Rubella là loại sống giảm độc lực thường sản xuất dưới dạng "tam liên" cùng các vắc xin phòng sởi và quai bị.
+ Biện pháp tốt nhất trong trường hợp trên là hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với nhiều người, luôn mang khẩu trang bên người khi ra ngoài. Vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch súc họng.
Phụ nữ mang thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ, chị em cần theo dõi chặt chẽ. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh hãy đến ngay Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để thăm khám và được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Nhóm Admin