Chiều ngày 17 tháng 8 năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Giới thiệu kỹ thuật mới về sàn chậu”. Đến dự buổi sinh hoạt chuyên môn có PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện, các đồng chí trong Ban Giám đốc, cùng toàn thể các bác sĩ, dược sĩ của Bệnh viện.
Giảng viên: Ths.Bs Nguyện Thị Thanh Tâm – Trưởng đơn nguyên Niệu – Sàn chậu Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. HCM.
PGS.TS.BS Vũ VănTâm – BTĐU, GĐBV trao đổi mở đầu buổi sinh hoạt chuyên môn chuyên đề: “Giới thiệu kỹ thuật mới về sàn chậu”.
Trao đổi mở đầu buổi sinh hoạt chuyên môn, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm cho biết: rối loạn chức năng sàn chậu nữ là bệnh lý phổ biến, phần lớn phụ nữ đã trải qua sinh đẻ, tuổi đời từ 40 trở lên có các dấu hiệu rối loạn chức năng sàn chậu như: són tiểu, són hơi, phân, sa tử cung… những rối loạn này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Để giải quyết những rối loạn chức năng sàn chậu, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, thời gian tới Bệnh viện Phụ sản sẽ phát triển chuyên khoa sàn chậu để giải quyết những rối loạn sàn chậu cho phụ nữ thành phố. Trên tinh thần đó, Bệnh viện đã mời THS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trưởng đơn nguyên Niệu - Sàn chậu Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM, chuyên gia về sàn chậu giới thiệu kỹ thuật mới về sàn chậu.
Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng Đơn nguyên Niệu – Sàn chậu Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM giới thiệu kỹ thuật mới về sàn chậu nữ
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Tâm, vùng sàn chậu gồm tất cả các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xennhau. Sàn chậu chứa 3 cơ quan: hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Rối loạn chức năng sàn chậu biểu hiện ở 5 nhóm chức năng chính:
1. Đường tiểu dưới: Tiểu không kiểm soát, ho ra nước tiểu; tiểu nhiều lần, tiểu đêm; mắc tiểu không cầm giữ được phải đi gấp…
2. Sa tạng chậu (sa sinh dục): Khối phồng âm đạo, trằn nặng gây đau lưng, khó chịu vùng bụng dưới và cửa mình; xuất huyết, tiết dịch, nhiễm trùng khối sa; phải đẩy khối sa lên khi đi vệ sinh…
3. Tình dục: Giao hợp đau, giảm cảm giác, bị cản trở; âm đạo rộng, lỏng nẻo; giao hợp khó khăn, đau hoặc không được do chứng co thắt âm đạo…
4. Rối loạn đường hậu môn trực tràng: đại tiện không kiểm soát, són hơi, són phân; đại tiện gấp, không cầm giữ được phải đi ngay; táo bón…
5. Đau đường tiểu dưới và các đau vùng chậu khác: bàng quang, niệu đạo; âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn.
Trước đây, rối loạn chức năng sàn chậu được đánh giá, điều trị bởi 3 chuyên khoa riêng lẻ: nhà niệu khoa, phụ khoa và đại trực tràng.
Nay, rối loạn chức năng sàn chậu được tập hợp về một chuyên khoa sàn chậu giải quyết chung các rối loạn chưc năng sàn chậu…
Các phương pháp điều trị rối loạn chức năng sàn chậu bao gồm:
Điều trị nội khoa: Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước/ngày, kiểm soát cân nặng và có phương pháp giảm cân.Tập luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn. Thuốc điều trị tại chỗ khi có viêm nhiễm..
- Phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.
Điều trị són tiểu bằng phương pháp TOT.
Đặt vòng nâng tử cung Pessary điều trị sa sinh dục
Phẫu thuật đặt mảnh ghép tổng hợp nâng bàng quang, tử cung, trực tràng (qua đường âm đạo, qua nội soi) điều trị sa sinh dục.
Đặc biệt việc ứng dụng laservào điều trị rối loạn vùng sàn chậu là một bước tiến mới cho điều trị rối loạn chức năng sàn chậu nữ.
Ths. Bs Nguyễn Trung Toàn, Phó trưởng khoa Sản 3 trao đổi về phương pháp điều trị rối loạn chức năng sàn chậu nữ
Để chuẩn bị cho việc triển khai chuyên khoa sàn chậu nữ tại Bệnh viện, thời gian qua bệnh viện đã cửThs.Bs Nguyễn Trung Toàn và BsCKII Nguyễn Thị Duyên Hải đi học về sàn chậu tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM.
Kết luận buổi sinh hoạt chuyên môn, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm cho biết, khi tòa nhà Trung tâm Sơ sinh 9 tầng được đưa vào sử dụng (dự kiến cuối năm 2018), có mặt bằng, Bệnh viện sẽ triển khai ngay Đơn nguyên Sàn Chậu nữ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh rối loạn chức năng sàn chậu nữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ Thành phố và các tỉnh Duyên hải Bắc bộ.

PGS.TS Vũ Văn Tâm, BTĐU, GĐBV chúc mừng và cảm ơn THS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng Đơn nguyên Niệu – Sàn chậu BVPS Từ Dũ TP.HCM