Lịch sử hình thành phát triển

Trang chủ / Giới thiệu / Lịch sử hình thành phát triển

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng giai đoạn 1978-1988

04/01

2019

15:27

Giai đoạn (1978 - 1988)

Khoảng thời gian gần 20 năm (từ năm 1959 đến năm 1977) khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp bên cạnh yếu tố nội tại là sự nỗ lực của cán bộ nhân viên của khoa, của bệnh viện; còn có sự ảnh hưởng chung của phong trào thi đua của đất nước ta thời kỳ đó, thời kỳ hưng thịnh của chế độ bao cấp, chế độ XHCN, sự giúp đỡ chí tình của Tiệp Khắc, Cu Ba, những đất nước XHCN giúp ta xây dựng và đánh Mỹ. Khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp trở thành nơi có trình độ chuyên môn kỹ thuật phát triển, tiếp nhận điều trị không chỉ bệnh nhân của thành phố Hải Phòng mà còn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân các tỉnh lân cận, đương nhiên trở thành tuyến cao nhất về sản phụ trong khu vực. Khoa Sản Việt Tiệp còn là nơi thực hành cho sinh viên Y4 Trường đại học y khoa Hà Nội, là cơ sở giảng dạy Y sĩ, Nữ hộ sinh của Trường Trung học Y tế Hải Phòng. Là một khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp nhưng lại ở một vị trí độc lập nên các bộ phận cận lâm sàng, dược, dinh dưỡng cũng hình thành bên cạnh bộ phận lâm sàng như một đơn nguyên độc lập. Cho đến khi chủ trương sáp nhập Trạm Sinh đẻ kế hoạch với khoa Sản hình thành từ nhu cầu tất yếu của thành phố là phải có một bệnh viện chuyên khoa về sản phụ khoa, kế hoach hoá gia đình.

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 105/QĐ-VX ngày 31/1/1978 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, nhưng chính thức hoạt động từ 01/7/1978. Ngày đầu thành lập, Bệnh viện có qui mô 150 giường bệnh (tăng 70 giường so với khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp), có 96 cán bộ nhân viên; có 3 phòng chức năng, 8 khoa lâm sàng và 2 khoa cận lâm sàng. Cơ sở vật chất được thêm ngôi nhà của Trạm Mắt, còn lại vẫn là khu nhà cũ của khoa Sản và Trạm Sinh đẻ kế hoạch. Trang thiết bị y tế hầu như tăng thêm không đáng kể, Sở Y tế điều một máy Xquang D700 từ bệnh viện Kiến An. Nhiệm vụ của Bệnh viện được xác định: khám chữa bệnh về sản phụ khoa, thực hiện dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hoá gia đình cho toàn thành phố và xây dựng bộ môn Sản phụ khoa của phân hiệu Đại học Y khoa Hải Phòng.

Ban giám đốc đầu tiên của Bệnh viện gồm:

-         Giám đốc: Giáo sư Lê Điềm

-         Phó giám đốc: Bác sĩ Hoàng Thuý Sơn - Phụ trách công tác chỉ đạo tuyến và SĐKH.

-         Phó giám đốc: Đồng chí Nguyễn Văn Thư - Phụ trách hậu cần

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là bệnh viện chuyên khoa phụ sản địa phương được thành lập sớm nhất ở miền Bắc (Phụ sản Hà Nội - 1979, Phụ sản Nam Hà - 1984, Phụ sản Thanh Hoá 1989…). Những thách thức khó khăn đặt ra trong thời kỳ này không nhỏ.

Khó khăn đầu tiên là yếu tố cán bộ, thời điểm này sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều cán bộ, đa phần là những cán bộ có trình độ và kinh nghiệm công tác của miền Bắc phải chia sẻ cho miền Nam để tiếp quản và xây dựng các cơ sở y tế phía Nam. Những cán bộ mới được Bệnh viện tiếp nhận phần lớn là cán bộ trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Thêm nữa thời kỳ trước do tập trung phục vụ chiến tranh nên công tác đào tạo còn nhiều bất cập, nhất là đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên sâu.

Khó khăn thứ hai là cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng nhà cửa. Trong khoảng 10 năm, Bệnh viện xây thêm được khu nhà dược. Còn về trang thiết bị y tế hầu như không tăng thêm gì, những thiết bị cũ theo thời gian bị hư hỏng. Do thành lập là một bệnh viện riêng nên những viện trợ của Tiệp Khắc không còn nữa, trong khi đó các tổ chức quốc tế khác lại quan niệm chúng ta là Bệnh viện  Phụ sản Việt Tiệp, đã có sự giúp đỡ của Tiệp Khắc.

Khó khăn lớn nhất, đất nước ta thời kỳ này chịu ảnh hưởng nặng nề sau cuộc chiến tranh 30 năm, các nguồn viện trợ của các nước XHCN anh em không còn là bao, nội lực rất hạn chế do sự trì trệ của cơ chế bao cấp, kinh tế sa sút, đời sống khó khăn. Chúng ta lại phải tăng cường bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền đất nước, chắt chiu giúp bạn Lào, giúp Cam pu chia chống chế độ diệt chủng. Khó khăn chồng chất khó khăn, lòng người cũng có khi mệt mỏi, suy giảm niềm tin. Bệnh viện cũng chịu chung những ảnh hưởng đó, kinh phí ngân sách cấp eo hẹp, chưa có cơ chế thu viện phí, nhiều lúc như bất lực vì thiếu thốn. Sự hăng hái nhiệt tình của cán bộ, nhân viên thời kỳ trước nay trở thành im lặng hoặc lãn công, bớt giờ làm lo chạy vạy để cuộc sống đỡ khó khăn.

Nhưng nhu cầu về khám chữa bệnh và các nhiệm vụ của Bệnh viện thì ngày càng đòi hỏi cao. Số lượng khám bệnh năm 1988 tăng gấp đôi so với năm 1978; số nạo hút tăng gấp 3, số đẻ tăng gần 2 lần, số phẫu thuật (loại I, II) tăng gấp 3 lần, đặc biệt các số liệu xét nghiệm cận lâm sàng tăng từ 5 đến 7 lần. Đâu phải có phép mầu nhiệm mà Bệnh viện đạt được như vậy. Sự kiên trì trong chủ trương lãnh đạo, nghị lực vượt khó khăn của cán bộ nhân viên bệnh viện, tinh thần đoàn kết của tập thể các khoa phòng đã đem đến những thành công. Yếu tố con người lại trở thành quan trọng để đạt được những thành tích công tác.

Sau 10 năm, từ 11 bác sĩ chưa có học hàm, học vị sau đại học, Bệnh viện đã có 1 giáo sư, 3 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 14 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 27 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, 2 dược sĩ chuyên khoa I. Để nâng cao trình độ cán bộ, Bệnh viện đã thúc đẩy phong trào tự học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết công tác chuyên môn, đã tổ chức 7 Hội nghị khoa học với 201 đề tài nghiên cứu khoa học

Mười năm, một chặng đường khá dài, nhưng đối với Bệnh viện thì đoạn đường đã qua ấy vẫn chỉ là bước đi ban đầu. Vậy mà Bệnh viện đã tự khẳng định được mình, xứng đáng là một trung tâm sản phụ khoa của một thành phố có dân số một triệu rưỡi người. Quy mô Bệnh viện đến năm 1988 có 250 giường bệnh với 318 cán bộ nhân viên. Công tác khám bệnh điều trị phụ khoa đã được quan tâm đáng kể, tỷ lệ giường bệnh phụ khoa, KHHGĐ đã ngang bằng sản khoa, đã thành lập được khoa Sản bệnh lý để điều trị tích cực trước sinh và sản bệnh lý sau đẻ; thành lập khoa Sơ sinh để chăm sóc trẻ sơ sinh và điều trị sơ sinh bệnh lý sau đẻ. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên còn nhờ sự quan tâm phát triển các phòng cận lâm sàng, với đầy đủ cán bộ được đào tạo trong và ngoài nước, đã đáp ứng được yêu cầu của lâm sàng và tuyến trước. Bệnh viện đã có liên khoa xét nghiệm huyết học, sinh hoá, tế bào di truyền, giải phẫu bệnh lý, phòng điện quang lý liệu pháp.

Thành tựu nổi bật trong 10 năm này là Bệnh viện đã thực hiện chương trình lồng ghép từ thành phố xuống quận huyện công tác phụ khoa với công tác kế hoạch hoá gia đình. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao bởi việc lựa chọn khoa Sản làm chỗ dựa để thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Hải Phòng đã trở thành địa phương đầu tiên triển khai mô hình trên. Ngoài ra, trong tình hình xuống cấp của các trạm y tế xã phường, Bệnh viện vẫn duy trì xây dựng được gần 100 điểm dịch vụ KHHGĐ liên xã, đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung, hút điều hoà kinh nguyệt. Bệnh viện đã cử 560 lần bác sĩ xuống làm việc ngắn ngày tại các xã. Thực hiện tốt dịch vụ KHHGĐ đã góp phần đưa thành phố Hải Phòng dẫn đầu toàn quốc về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, góp phần giảm tỷ xuất sinh, ổn định dân số, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội thành phố.

Ghi nhận thành tích của Bệnh viện, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Bệnh viện (1988), Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng Bệnh viện Huân chương Lao động hạng Nhì và tặng thưởng Tổ đỡ đẻ khó Huân chương Lao động hạng Nhất.

Các bài liên quan
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng - 40 năm xây dựng và phát triểnLịch sử hình thành phát triểnMeta Title
07/03

2019

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 105/QĐ-VX, ngày 31 tháng 01 năm 1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, tiền thân là khoa Sản – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng và Trạm Sinh đẻ kế hoạch thành phố. Đây là Bệnh viện chuyên khoa phụ sản địa phương được thành lập sớm nhất ở Miền Bắc sau ngày đất nước thống nhất.

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng giai đoạn 1994-2013Lịch sử hình thành phát triểnMeta Title
04/01

2019

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ta bước vào thời kỳ mới: thời kỳ mở cửa và hội nhập; nền kinh tế nước ta ngày càng phục hồi và phát triển; mở cửa hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
Giai đoạn 1989-1993Lịch sử hình thành phát triểnMeta Title
04/01

2019

Nếu 10 năm đầu xây dựng, Bệnh viện đã trải qua nhiều thách thức khắc nghiệt thì 10 năm tiếp theo lại thêm nhiều yếu tố khó khăn mới, đó là ảnh hưởng của sự sụp đổ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; sự chuyển đổi cơ chế của nước ta từ nền kinh tế hành chính bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Giới thiệu bệnh viện giai đoạn hình thànhGiới thiệu Phụ sản Hải Phòng - Bệnh viện hàng đầu trong lĩnh vực Sản phụ khoa
10/11

2018

Trước ngày 13 tháng 5 năm 1955, ngày thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, trong Nhà thương chính của thành phố chỉ có khu Hộ sinh với 3 phòng bệnh và phòng khám. Khu hộ sinh của Nhà thương chính chỉ để phục vụ cho vợ con quan chức của bộ máy cai trị cũ.
 
Giới thiệu
Hỗ trợ online/Đặt khám